GIỚI THIỆU CHUNG GIỚI THIỆU CHUNG

Múa Trống Bồng
Publish date 01/02/2023 | 19:23  | Lượt xem: 754

Múa trống bồng hay còn gọi là con đĩ đánh bồng là điệu múa nghi lễ mang tính chất hầu Thánh, thể hiện niềm biết ơn của cộng đồng cư dân làng Triều Khúc, đồng thời cũng là cách để dân làng cầu xin thánh thần phù hộ cho dân làng bước sang một năm mới có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Theo truyền thuyết, múa bồng gắn liền với sự kiện Phùng Hưng tập hợp binh sĩ, đóng quân tại địa điểm là làng Triều Khúc ngày nay. Ban đầu, Múa Trống Bồng được diễn nhằm giải trí cho binh lính khi mừng công thắng giặc. Do trong quân không có nữ, các binh sĩ đóng giả con gái rồi múa mua vui. Sau khi Phùng Hưng qua đời, để tưởng nhớ Ngài, nhân dân Triều Khúc đã lập đình thờ.

Múa trống bồng là điệu múa phục vụ cho nghi lễ tế thần khi vào đám ; Là điệu múa hầu Thánh nên mang tính nghi lễ. Theo các cụ cao niên trong làng truyền lại thì điệu múa trống bồng tại làng Triều Khúc có từ lâu đời,cụ thể từ bao giờ thì không còn ai nhớ rõ nữa. Trong thời kỳ chiến tranh, múa trống bồng bị gián đoạn do lễ hội không được tổ chức. Đến những năm 1978, 1979, múa trống bồng mới được khôi phục.

Múa trống bồng làng Triều Khúc thường được trình diễn vào thời điểm rước Thánh vào chiều ngày mùng 9 tháng Giêng (từ đình thờ sắc về đại đình) và khoảng chiều ngày 12 tháng Giêng (từ đại đình về đình thờ sắc); và trong lúc tế thần vào ngày 10 tháng Giêng (lúc tế nhập tịch) và ngày 12 tháng Giêng (lúc tế xuất tịch) trong dịp hội làng (từ ngày mùng 9 đến ngày 12 tháng Giêng). Trong lúc tế, điệu múa bồng được biểu diễn ngay ở phương đình, vào giữa các tuần tế còn khi rước kiệu thì đội múa bồng sẽ múa trước kiệu để hầu Đức Thánh.

Múa trống bồng do nam thanh niên thực hiện. Người được chọn vào đội múa trống bồng hầu Thánh phải là nam nam giới chưa vợ và không trở tang, nhân phẩm tốt, gia đình gia giáo, hòa thuận. Trong lúc trình diễn, người múa sẽ trang điểm giống như con gái, đầu đội khăn gỗ ngoài chít khăn mỏ quạ màu đỏ tươi, mặc quần áo trắng, bên ngoài quần họ mặc thêm váy nhiễu màu đen trùng tới mắt cá chân, cổ quàng tấm lụa nhỏ có hình lá sen

thêu hoa lá cách điệu (có những dải màu ngũ sắc rủ xuống); ngang lưng của họ thắt một tấm lụa dài màu xanh lục.

Trống bồng là một loại trống dài (dài khoảng 60cm), đường kính khoảng 15cm, thân trống được sơn màu đỏ, mỗi mặt trống đều có dán một miếng xôi hình chũm cau để tạo ra âm thanh riêng. Trống được những người múa đeo chặt ở trước bụng bằng một dải lụa đỏ thắt ra sau lưng. Đi cùng đội múa bồng là dàn nhạc múa bồng gồm có bốn ông đánh trống nhỏ, một ông đánh trống khẩu và một ông đánh thanh la. Bốn người đánh trống nhỏ phải đeo ngửa trống ra trước bụng, có dây đeo quàng ra sau gáy. Những chiếc trống này được gọi là trống bản. Tang trống có màu đỏ. Trống cao khoảng 15cm, đường kính 40cm. Người đánh thanh la được gọi là người cầm trịch của đoàn múa. Múa nhanh hay chậm đều do ông này chỉ đạo. Người đánh thanh la sẽ đeo dây thanh la vào bàn tay trái và giơ cao ngang đầu, tay phải dùng dùi gỗ nhỏ để đánh mạnh theo nhịp vào mặt lồi của cái thanh la.

Mỗi lần trình diễn, sẽ có từ 3-6 cặp múa hoặc ít hơn tùy theo thời gian, không gian và địa điểm trình diễn. Sau khi múa trống bồng được khôi phục lại (năm 1979), việc múa trống bồng trình Thánh trong ngày hội chỉ được thực hiện bởi 1 cặp. Tuy nhiên, hiện nay số lượng người thực hành nghi thức này nhiều hơn và để vui hơn thì số lượng cặp múa có thể là từ 3-6 cặp. Múa bồng gồm có 5 động tác cơ bản gồm bước lễ, giáp mặt, vuốt cổ, giáp lưng, vuốt mặt.

Bước lễ là động tác ra mắt Thánh. Nếu là múa trong đoàn rước, các cặp múa bồng phải đứng theo hàng dọc, hướng về phía kiệu Thánh. Nếu là múa ở đình làng khi đội tế nam quan dâng rượu, các cặp sẽ đứng xếp hàng dọc hướng vào đình. Đầu tiên, các cặp đôi múa bồng đưa chân trái ra sau một bước, khụy đầu gối chân phải, đầu hơi cúi, 2 lòng bàn tay úp xuống đất, ngay phía trên trống bồng. Lúc này, biểu cảm mặt phải nghiêm trang.

Giáp mặt là động tác được thực hiện ngay sau khi bước lễ. Ở động tác này, 2 người quay người đối diện nhau. 2 người cùng bước sang trái 2 bước rồi bước sang phải 2 bước. Trong khi bước trái phải, 2 cánh tay của người múa phải làm động tác đưa cánh tay lên cao (khuỷu tay ngang tầm vai), khua tay từ phía trước ra phía sau rồi vòng về phía 2 mặt trống bồng, khuỷu tay gập lại một góc khoảng 90 độ, lòng bàn tay mở ra, hướng về phía trống múa vỗ liên tục. Tiếp theo, các cặp múa sẽ quay mặt nhìn nhau và di chuyển theo vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ. Hai người giữ thế đối mặt, cùng bước

một bước dài, vắt chéo chân trái lên trước chân phải, đồng thời mở rộng hai vai, cánh tay hạ xuống dưới, lòng bàn tay mở, hướng ra phía trước. Giữ cánh tay thẳng nhưng vẫn có độ mềm mại nhất định. Hạ cánh tay xuống cho đến khi bàn tay ở ngang hông và cách hông khoảng 30cm. Khi làm động tác hạ tay, ngón cái tách ra, 4 ngón còn lại áp sát vào nhau. Kết thúc động tác, chân trái của người múa vắt chéo trước chân phải, 2 tay hạ xuống ngang hông, mặt đối diện, mắt nhìn vào bạn múa.

Vuốt cổ là động tác tiếp theo sau động tác giáp mặt. Ở động tác vuốt cổ, người múa giữ nguyên vị trí của chân trái, chân phải từ phía sau chỉ bước một bước theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, đặt trước chân trái sao cho khoảng cách của 2 người được thu hẹp lại. Nửa bàn chân phải đặt sát nhau, cùng lúc đưa tay lên vuốt cổ. Khi đưa tay lên vuốt cổ, người múa phải gập khuỷu tay và đưa ra phía trước mặt, lòng bàn tay úp xuống vai, vuốt mu bàn tay từ phía sau tai xuống cổ và xương quai xanh, chân trái khuỵu gối, chân phải nhún xuống, đồng thời 2 tay song song, úp lòng bàn tay xuống đất rồi từ từ đưa tay từ ngang mặt xuống đến trên trống bồng. Kết thúc động tác vuốt cổ, người múa sẽ đi sang phải 2 bước, sau đó bước sang trái hai bước đồng thời 2 cánh tay phải múa vỗ trống liên tục. Trong khi múa, 2 người nhìn nhau cười tủm tỉm.

Ở động tác giáp lưng,chân phải của người múa sẽ vắt chéo lên trước chân trái ; Sau đó giữ nguyên vị trí chân phải, bước lùi chân trái về phía sau sao cho gót chân trái và gót chân phải cách nhau khoảng 3 bước chân và gót chân trái của người này ở sát gót chân phải của người kia, hai lưng úp sát vào nhau rồi từ từ khuỵu chân trái, nhún gối chân phải xuống, đồng thời, tay trái chống mu bàn tay vào sườn, tay phải vòng ngón giữa và ngón cái lại thành hình tròn, các ngón tay còn lại dựng thẳng, lòng bàn tay hướng về bên phải; khuỷu tay ngang vai và gập một góc 90 độ.

Động tác cuối cùng là động tác vuốt mặt. Ở động tác này, người múa bước chân trái lên trước 1 bước, xoay mặt lại đối diện, mắt nhìn nhau. Sau đó, chân phải bước về phía trước, đặt sát với chân phải của bạn múa, nhún đầu gối chân phải, khuỵu đầu gối chân trái, mặt đối mặt; đồng thời, tay phải vòng ngón giữa và ngón cái lại thành hình tròn, các ngón tay còn lại dựng thẳng, lòng bàn tay hướng về bên phải, khuỷu tay ngang vai và gập một góc 90 độ.

Trong quá trình múa, các cặp múa sẽ căn cứ theo nhạc đệm để trình diễn. Sau khi thực hiện đủ 5 bước, lại bắt đầu lượt múa tiếp theo như vậy. Theo anh Bùi Văn Đạt, điều khó nhất trong múa bồng là làm thế nào để dẻo, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa người múa với người múa, và giữa các cặp múa mà vẫn thể hiện được tính lẳng lơ của các cặp múa từ ánh mắt, nụ cười và cách múa phải dẻo”.

Múa trống bồng là một hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian, mang tính chất phồn thực, một đặc trưng của nền văn hóa văn minh nông nghiệp. Sau này mỗi khi người dân làng Triều Khúc tổ chức lễ hội với nội dung thờ thánh thần, thì màn múa bồng đã trở thành màn múa mang tính chất nghi lễ, tôn giáo.

Vân Ánh