SẢN VẬT ĐỊA PHƯƠNG
Múa chạy cờ bắt nguồn từ sự tích Phùng Hưng kén chọn người tài sung quân đánh giặc. Xưa kia, nơi đây là đại bản doanh của nghĩa quân Phùng Hưng trước khi đánh vào thành Tống Bình (sau là thành Thăng Long). Ông đã chọn làng Triều Khúc làm nơi tập luyện và kén chọn quân sĩ lần cuối cùng. Điệu múa cờ nhằm nhắc lại sự tích đó. Múa cờ chính là điệu múa mang ý nghĩa biểu dương tinh thần luyện quận của Phùng Hưng,
Múa chạy cờ ra đời từ lâu. Trong thời kỳ chiến tranh, múa chạy cờ không được thực hành do lễ hội không được tổ chức. Năm 1989, sau khi khôi phục việc tổ chức thực hành lễ hội nghi thức múa Chạy Cờ cũng được dân làng khôi phục lại.
Trước đây tục múa chạy cờ được thực hiện sau khi cuộc tế kết thúc, tuy nhiên sau khi được khôi phục lại, thì nghi thức này được thực hiện vào tuần tế thứ 3 sau khi tế được 1/3 tuần.
Địa điểm thực hành nghi thức trước đây chính là là khoảng cánh đồng trước cửa đình theo hình chữ nhật chu vi ước khoảng 1 km. Sau khi được khôi phục lại, đường chạy chính là khu vực đường hai bên ao phía trước của đình.
Người tham gia thực hành nghi thức chạy cờ gồm có các quan viên tế và đội múa rồng. Những người này sẽ chia thành hai cánh quân, chỉ huy mỗi cánh quân là một ông hỏa diệm, tay cầm cờ đuôi nheo. Ông hỏa diệm được chọn làm chỉ huy quân phải là người từ 40 tuổi trở lên, có dáng người phương phi, mạnh khỏe và nhiệt tình.
Trước cổng đình kéo lên một lá cờ đại (nay cột cờ dựng giữa ao trước đình). Sau khi tế được 1/3 tuần tế của tuần tế thứ 3, tiếng tù và, thanh la cùng trống, mõ nổi lên dồn dập, đội nghĩa quân tập trung đúng vị trí, người cầm cờ, người kích, kẻ xà mâu, mác, chùy, dùi đồng, phủ việt, đao, kiếm .v.v... lần lượt từ trong đình chạy ra. Tới cửa đình họ tách làm hai, một nửa theo hướng bên phải, một cánh chạy từ đình ra đằng sau lăng Quận chúa ra bờ ao rồi đến cuốn thư, một cánh chạy ra lối cổng phụ của đình và đến cuốn thư, khí thế hừng hực như các chiến sĩ xông ra trận. Đoàn quân vừa chạy vừa reo hò, vừa múa các khí giới cầm theo. Người ta tính thời gian chạy sao cho hai
bên gặp nhau ở đoạn đường đối diện thẳng vào cửa đình thì dừng lại. Tại đây họ múa các vũ khí trên tay như một cuộc giao chiến bằng cách múa chéo nhau nhiều lần bằng các động tác chiêu cờ (đảo tay hình ∞ ngang người), phất cờ (đưa cờ lên cao), múa đao (các miếng ghìm, bổ, đâm, chém), vờn chùy, bổ chùy, thủ chùy. Sau đó mỗi bên lại thẳng hướng của mình chạy thành vòng khép kín trở lại đình.
Hàng ngàn con mắt dõi theo đoàn người chạy cờ, bàn tán, bình phẩm rất sôi nổi. Tiếng tù và, tiếng trống đánh liên hồi. Ngoài những người đứng xem, còn vô số người khác chạy theo đoàn múa cờ mà reo hò, không khí càng thêm náo nhiệt. Khi đoàn quân tới đình, mọi người đổ dồn tới chăm sóc họ như chào đón quân chiến thắng trở về. Tiếng trống chiêng, tiếng nhạc vẫn âm vang sôi động. Sau khi về đầy đủ, chỉnh đốn lại hàng ngũ, đại diện ban khánh tiết dẫn hai đội vào hậu cung lễ tạ thánh. Tiếp theo họ là ban nhạc, các đô vật, đội múa rồng, múa lân cùng bà con dân làng vào lễ tạ đức thánh. Đây cũng là nghi thức cuối cùng trước khi rước Thánh về đình Sắc ( được diễn ra sau 2 tuần tế thánh sáng ngày 12 tháng giêng).
Vân Ánh.