GIỚI THIỆU CHUNG
Múa Rồng là một điệu múa truyền thống của làng, theo truyền thuyết dân gian, múa rồng có từ khi bắt đầu làm đình thờ Bố Cái Đại Vương. Con Rồng là hình ảnh tượng trưng cho sự ôn hoà của trời đất và là vật linh thiêng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, đồng thời nó cũng là biểu tượng của sức mạnh vương quyền.
Đội múa gồm 25 đén 35 người để thay nhau múa khi có người mệt. Những người tham gia múa rồng là nam, trong trang phục gọn gàng, màu sắc đẹp, mặc theo kiểu quần lính ngày xưa, áo ngắn mầu đỏ hoặc mầu hồng, quần dài mầu trắng, khăn chít mầu đỏ, thắt lưng xanh hoặc đỏ, chân đi đất, quần xà cạp. Chỉ huy múa rồng là người cầm một hòn ngọc lớn đặt tại đầu gậy. Hòn ngọc làm bằng nan tre, bên ngoài phất giấy bạc lấp lánh.
Múa rồng được bắt đầu từ ngày mồng 9 tháng giêng, khi dân làng tiến hành lễ rước sắc phong từ Đình sắc về Đại đình. Đi đầu đám rước là đội múa rồng gồm từ 8-10 người. Mọi động tác múa rồng được thực hiện theo chỉ dẫn (ra hiệu) của người cầm quả cầu và tiếng trống khẩu. Điệu múa rồng thường bắt đầu bằng động tác rồng chào, rồng phục, rồng chầu. Từ trên cao, rồng từ từ uốn mình, hạ thấp đầu cúi chào, rồi nằm phục xuống như thể chầu theo nhịp trống cái đổ một hồi. Sau đó rồng lượn với những động tác của vũ sinh như xuống tấn, lao ra phía trước hoặc lùi về phía sau, khi thì nhảy chồm lên rồi cúi rạp xuống như thể rồng bay cao rồi hạ thấp. Vũ sinh chạy như lướt nhanh theo vòng xoáy ốc, gọi là rồng cuộn. Khi người cầm đầu rồng giơ lên cao thì người cầm đuôi rồng hạ thấp xuống, trông như rồng lượn. Người cầm đầu rồng chui qua thân rồng rồi lượn vòng, thân rồng cũng uốn theo, gọi là rồng uốn khúc. Phối hợp với múa rồng có múa cầm ngọc. Những lúc rồng đuổi theo ngọc, vờn ngọc, đớp ngọc, gặm ngọc, những động tác tung hòn ngọc, dử ngọc, để ngọc cho rồng gặm ,… đòi hỏi người múa phải biết thể hiện những tình tiết này bằng đạo cụ là chiếc gạy. Mặc dù phải có sự ăn ý giữa những người điều khiển đầu rồng, đuôi rồng và hòn ngọc, múa rồng vẫn mang tính ứng diễn dựa theo những động tác cơ bản nói trên.
Nhạc cụ chủ yếu dùng để đệm cho múa rồng là trống cái, thanh la và chũm choẹ. Tiết tấu động tác nhanh chậm phụ thuộc vào tiếng trống. Khi tiếng trống đánh chậm, các động tác múa nhẹ nhàng, ngược lại khi tiếng trống dồn dập, thôi thức thì điệu múa trở nên sôi nổi, mạnh mẽ tạo nên sự hấp dẫn lôi cuốn người xem. Bên cạnh múa rồng còn có múa sư tử kèm song song và một số người cầm gậy, đeo mặt nạ bà Thanh Đề cùng múa.
Vân Ánh