SẢN VẬT ĐỊA PHƯƠNG SẢN VẬT ĐỊA PHƯƠNG

Hội làng Triều Khúc
Ngày đăng 01/02/2023 | 19:28  | Lượt xem: 2114

Hội làng Triều Khúc diễn ra từ ngày mùng 9 đến ngày 12 tháng Giêng đây là ngày ngài đăng quang lên ngôi vua nhằm tưởng nhớ đến công lao của Phùng Hưng, người anh hùng đã phát động cuộc khởi nghĩa thắng lợi chống ách đô hộ của quân xâm lược phương Bắc tại Tống Bình (Hà Nội xưa) và công ơn tổ nghề thao đã mang lại cuộc sống ấm lo cho dân làng.

Theo lời kể của các cụ thì lễ hội làng Triều Khúc có từ xa xưa, cụ thể từ bao giờ thì không còn ai nhớ nữa. Vào thời kỳ chiến tranh, dân làng ở đây không có điều kiện tổ chức lễ hội. Hòa bình lập lại, dân làng khôi phục việc tế lễ ở đình. Năm 1989, dân làng bắt đầu khôi phục lễ rước và tổ chức lễ hội đều đặn. Trước đây, dân làng Triều Khúc năm nào cũng tổ chức hội lớn. Tuy nhiên, sau khi lễ hội được khôi phục lại, dân làng quy định 3 năm tổ chức đại cờ phước một lần. Vào những năm tổ chức tiểu cờ phước, dân làng chỉ tổ chức rước kiệu long đình và thực hành tế lễ tại đình.

Truyền thuyết về nhân vật được thờ

Về lịch sử của Bố Cái đại vương Phùng Hưng có lẽ người Việt ai ai cũng biết. Riêng ở trong đình làng Triều Khúc còn giữ được một văn bản rất chi tiết về toàn bộ lai lịch của Ngài. Song ở đây chúng tôi xin ghi theo bản Ngoại kỷ toàn thư, quyển 5.

“Năm Tân Mùi (791), Đường Trinh Nguyên năm thứ 7, mùa xuân, An nam đô hộ phủ là Cao Chính Bình làm việc quan bắt dân đóng góp nặng. Mùa hạ, tháng tư, người ở Đường Lâm thuộc Giao Châu (Đường Lâm tại huyện Phúc Lộc) là Phùng Hưng dấy binh vây phủ. Chính Bình lo sợ mà chết. Trước đây Phùng Hưng vốn là nhà hào phú, có sức khỏe, có thế vật trâu, đánh hổ. Khoảng niên hiệu Đại Lịch (766-780) đời Đường Đại Tông, nhân Giao Châu có loạn, cùng vói em là Hải hàng phục được các ấp bên cạnh, Hưng xưng là Đô quân, Hải xưng là Đô bảo, đánh nhau với Chính Bình, lâu ngày không thắng được. Đến đây dùng kế của người làng là Đỗ Anh Hàn, đem quân vây phủ. Chính Bình lo sợ phẫn uất thành bệnh ở lưng mà chết. Con là An tôn xưng làm Bố Cái Đại Vương (tục gọi cha là Bố mẹ là Cái). Và hằng năm hội làng được mở nhằm nhắc nhở công lao to lớn ấy của ông.”

Truyền thuyết về Thành hoàng làng ở làng Triều Khúc

Đình làng Triều Khúc thờ đức thánh Phùng Hưng tự là Công Phấn. Ông sinh ngày 25 tháng 11 năm Bính Tý, là người ở xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội ngày nay. Ông có sức khỏe phi thường, đánh hổ, vật trâu, vác thuyền nặng đi hàng vạn dặm. Ông là người hào phóng và có lòng từ thiện, thường hay giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong vùng. Vào thời kì Bắc thuộc lần thứ ba, dưới ách cai trị hà khắc của quân đô hộ nhà Đường người dân bị đàn áp, bóc lột cùng cực. Với tấm lòng yêu nước, trí dũng song toàn ông cùng hai em trai là Phùng Hải và Phùng Dĩnh lãnh đạo nghĩa quân nổi dậy, làm chủ vùng đất Đường Lâm rồi đánh chiếm cả vùng đất rộng lớn xây dựng căn cứ chống giặc. Một trong những căn cứ ấy được xây dựng ở trang Khúc Giang (tên gọi xưa kia của làng Triều Khúc), nơi đây là một trong những căn cứ để nghĩa quân của ông tiến vào vây hãm giặc ở thành Tống Bình. Sau khi đánh tan quân xâm lược ngày mùng 10 tháng Giêng năm Nhâm Tuất, ông đăng quang lên ngôi vua. Ông trị vì được 7 năm thì băng hà. Ngày mùng 3 tháng 8 năm Mậu Thìn, con của ông là Phùng An lên ngôi vua. Tưởng nhớ công ơn của Phụ Vương, Phùng An đã cho các bậc hiền thần đi tìm những nơi có dấu tích của ngài để lập miếu thờ. Nhà Vua đã cho 300 quan tiền và cử người về làng Triều Khúc cắm đất xây dựng đình để dân làng thờ phụng.

Ngoài Thành Hoàng làng là Đức thánh Phùng Hưng, trong cụm di tích Đình – Đền – Chùa đã được xếp hạng cấp Quốc gia còn có Văn Bia thờ Khổng tử và thờ Tiến sỹ Nguyễn Gia Du, ông là người ở làng, đã đỗ tiến sỹ và có công với dân làng nên dân làng thờ phụng; Cụ Mai Quận Công, ông làm quan Trọng nhậm ở làng. Tương truyền rằng, vào ngày 30 tết cụ sức cho lý dịch ở trong làng điều dân công lên dinh của mình gánh thóc về ăn tết. Dân làng nhớ đến ơn đó nên đã thờ ông; Và bốn vị tướng giỏi của ngài Phùng Hưng trong đó có hai em trai của ngài là ông Phùng Hải và ông Phùng Dĩnh, hai vị tướng là ông Đỗ Anh Hân và ông Bồ Phá Cần.

Không gian văn hoá

Trải qua các giai đoạn phát triển của lịch sử, vùng đất này phát triển ngày một trù phú, cư dân ngày càng đông đúc, trở thành một cộng đồng làng xã truyền thống với mái đình, mái chùa, cây đa, giếng nước.

Tư liệu khảo cổ học cho biết Triều Khúc là vùng đất đã có cư dân cư trú của người Việt cổ từ rất lâu đời, khoảng 4.000 - 3.500 năm, thuộc giai đoạn Văn hóa Phùng Nguyên. Tại đây, người ta đã phát hiện di chỉ Gò cây táo1 trên cánh đồng Miễu thuộc Triều Khúc, có diện tích 150m2 với nhiều công cụ sản xuất và sinh hoạt như rìu, dục, bàn mài, vòng tai bằng đá và đồ gốm có hoa văn trang trí đơn giản có niên đại tới 4000 năm tuổi.

Tiếp đó, vào giữa thế kỷ VIII, khi nghĩa quân Phùng Hưng từ Đường Lâm về lập quân doanh ở Triều Khúc, trong đó có vị gia tướng họ Giang của Phùng Hưng. Người này trở thành ông tổ họ Giang ở làng Triều Khúc. Hiện nay ở cổng từ đường họ Giang ở Triều Khúc vẫn còn 3 chữ 初生民 - Sơ sinh dân (Lúc mới sinh dân) - ý nói đây là những người đầu tiên của họ Giang đến sinh sống cùng dân làng Triều Khúc.

Những di tích liên quan tới hội còn lại gồm có cụm di tích đình Triều Khúc gồm hai đình: Đại Đình và Đình thờ Sắc, chùa Triều Khúc, Đền thờ Tổ - thờ Vũ Sứ Thần - ông Tổ làng nghề, đền thờ Tam Thánh, Lăng Miếu thờ Quận Chúa.

Phần hội là phần đời, phần khát vọng vươn tới cái chân thiện mỹ của cộng đồng. Hội là hình thức thể hiện những nội dung của lễ. Vì thế lễ và hội là một cặp không thể tách rời, hỗ trợ lẫn nhau, nhiều khi xen lẫn vào nhau, trong lễ có hội, trong hội có lễ . Phần hội bao giờ cũng thu hút được đông đảo người tham gia hơn bởi hội là chỗ tập trung đông người, có nhiều hoạt động vui chơi hơn cả, các trò chơi dân gian truyền thống được đem ra thi thố, trổ tài, trình diễn để cuốn hút người khác đến xem.

Tại Triều Khúc, trong những ngày diễn ra lễ hội, nhiều trò chơi dân gian được tổ chức thu hút được đông đảo người dân và du khách tham gia như: Vật thờ, đánh cờ, đá cầu, chọi gà, tố tôm, bắt vịt... diễn ra chung quanh đình càng náo nức hơn. Mặc dù, người tham gia thi tài có kẻ thua, người thắng nhưng ai cũng vui vẻ và muốn thể hiện tài năng của mình ở các trò chơi dân gian. Đồng thời hội còn tạo điều kiện để mọi người có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, giao lưu với nhau.

Trong các ngày diễn ra lễ hội du khách được chiêm ngưỡng các điệu múa cổ múa cổ như múa Trống Bồng còn gọi là con đĩa đánh Bồng, múa chạy cờ, múa sênh tiền, múa Rồng, Sư tử và các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao như: viết chữ thư pháp, văn nghệ chào mừng, giải bóng đá diễn ra từ ngày mùng 3 đến ngày 12 tháng giêng, giải bóng bàn, bóng chuyền hơi, cầu lông, giải vật truyền thống.

Vân Ánh